HTVC
CÚP XE ĐẠP TRUYỀN HÌNH HTV - 35 năm một hành trình - Phần 1: Ngày đó
26/04/2023

Họ đã làm điều đó như thế nào trong Cuộc đua xe đạp tranh Cúp Truyền hình HTV? Hãy lùi một vòng xe nhìn về quá khứ để ghi nhận hôm nay.

 

Cứ đi rồi sẽ đến, quả thật đúng như vậy. Từ lần đầu tiên tổ chức năm 1989 với 4 chặng, đến nay HTV đã vận hành cuộc đua với 25 chặng, tổng đường đua là 2.964km, truyền hình trực tiếp trên nhiều hạ tầng với chất lượng chuyên môn, nội dung thể hiện, kỹ thuật truyền dẫn đứng đầu khu vực.

 

Những hình ảnh ngày xưa của Cúp Truyền hình HTV

 

Những ngày đầu khó khăn, thiếu thốn


Thời điểm bắt đầu, cuộc đua gặp rất nhiều khó khăn về máy móc thiết bị, thông tin liên lạc, cơ sở hạ tầng đường đua, về tín hiệu truyền dẫn, về phối hợp với các địa phương… Cứ mỗi lần lên đường là vác những máy quay nặng nề, dễ hư hỏng, là ngồi trên những chiếc xe dã chiến nóng nực, lấm lem bụi đường. Có khi anh Tuấn Lâm đang thu hình thì đột nhiên dừng lại la lên: “Kính thưa đồng bào... con chó. Con chó mới chạy qua, xin lỗi đồng bào”. Hình ảnh một vận động viên bị bể vỏ xe nhưng vẫn cố vác xe chạy về đích hay cảnh người dân lấy xô hất nước, dùng vòi xịt vào vận động viên cho mát… vẫn còn in đậm trong ký ức nhiều người. 

 

Thời đó làm gì có điện thoại di động để a-lô nắm tin tức diễn biến thi đấu của từng tốp vận động viên. Bộ đàm cũng là một xa xỉ phẩm. Đường đua thì ổ gà lồi lõm rất nhiều. Có những chặng trời mưa, cầu gập ghềnh, các anh phải đi mua ván về lót để tránh bập bênh và tránh những sự cố phát sinh. Để phát sóng kịp thời cho khán giả, băng ghi hình được gửi về qua các chuyến xe đò liên tỉnh, sau đó tiến bộ hơn thì gửi qua đường truyền cáp quang của bưu điện, rồi bằng vi-ba (giống như wi-fi hiện nay) nhưng vi-ba thì cần có máy phát, máy thu. Máy phát phải kiếm chỗ nào cao cao thì tín hiệu mới được truyền tải tốt. Những sự việc phát sinh ngoài dự kiến tại địa phương khi cần xử lý cũng gặp nhiều khó khăn, bao gồm cả việc không có trạm xá khi có vận động viên bị thương. Lúc đó cơ sở vật chất còn thiếu thốn, kinh phí hạn hẹp nên chỗ ở của đoàn đua vì thế cũng rất “dã chiến”, thường ở nhờ trong các trường học, nhà trẻ, khu quân đội. Nhiều nơi không có chỗ, nam nữ còn phải ở chung rất bất tiện. Có khi buổi tối, chị nữ nào muốn đi ra ngoài phải bước qua nệm mấy anh nam. Mấy anh không ngủ được la í ới. Rồi để việc thu âm không bị lẫn tiếng động ồn ào, anh Hải và chị Mai phải chui vào nhà vệ sinh đóng cửa lại để thu cho rõ. Những năm đầu tiên, đua xong ở Đà Lạt là phải có một anh mô tô phi như bay thật nhanh về Đài để giao băng cho kịp tối phát sóng. 

 

Lực lượng tham gia sản xuất chương trình trên đường đua

 

Cuộc đua đã 2 lần được tổ chức qua cả Lào (2006) và Campuchia (2007). Kỷ lục đáng nhớ nhất được xác lập vào năm 2018. Đó là cuộc đua xuyên Việt “Non sông liền một dải”, có 30 chặng đua với tổng chiều dài là 3.267 km, ghi dấu ấn trong lịch sử xe đạp đường trường thế giới. Cuộc đua này cũng ghi nhận thành công đầu tiên của công nghệ truyền hình khi HTV tường thuật trực tiếp đầy đủ, trọn vẹn 1 chặng đua đường trường phục vụ khán giả hâm mộ. Đến năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID, cuộc đua đã phải dời ngày khởi hành nhiều lần, gây khó khăn không ít cho công tác tổ chức nhưng cuối cùng vẫn được tiến hành, không gián đoạn năm nào. Năm 2023, cuộc đua mở rộng lộ trình đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ và Tây Ninh trước khi tiến về TP.HCM vào đúng trưa ngày 30/4.

 

 

(Còn tiếp)

 

Trương Kiều Nga (Ảnh: Hoàng Hùng, Vĩnh Nam)